Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Sự khác biệt của Trái phiếu, Tín phiếu và Kỳ phiếu

Dưới đây chỉ là những khái niệm cơ bản nhất nhằm giúp chúng ta có được cái nhìn tổng quan nhất và giúp phân biệt các loại giấy chứng nhận nợ


- Trái phiếu:
+ Đối tượng phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trái phiếu kho bạc), chính quyền (công trái hoặc trái phiếu chính phủ). Đối tượng phát hành sẽ qui định về thời hạn và lãi suất,...
+ Đối tượng mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh).
+ Thời hạn: có thể dưới 1 năm (trái phiếu ngắn hạn) hay lâu hơn (5, 7 hay 10 năm,...)

- Tín phiếu:
+ Là một giấy chứng nhận nợ của cá nhân, của công ty, trong đó các điều kiện hai bên tự thõa thuận với nhau (ghi rõ thời gian trã lại vốn và tỹ lệ lời trên vốn)
+ Là giấy tờ có giá do chính phủ , ngân hàng nhà nước hay doanh nghiệp phát hành, mục đích là huy động vốn trong ngắn hạn (dưới 1 năm)
+ Ngành ngân hàng dùng chữ chứng nhận tiền gởi định kỳ của khách hàng...

- Kỳ phiếu:
+ Là một loại chứng khoán, trong đó người ký phát cam kết sẽ trả một số tiền nhất định vào một ngày nhất định cho người hưởng lợi được chỉ định trên lệnh phiếu hoặc theo lệnh của người hưởng lợi trả cho một người khác.
+ Trả một số tiền nhất định một cách vô điều kiện & ghi rõ tên người thụ hưởng
+ Nếu xét về bản chất kỳ phiếu là một loại trái phiếu ngắn hạn với thời gian đáo hạn là khoảng trên dưới 1 năm nhưng không quá 7,8 năm và thường do các ngân hàng thương mại phát hành. 
+ Thời hạn thanh toán ngắn hơn là điểm khác biệt chính giữa kỳ phiếu và trái phiếu
+ Kỳ phiếu (và hối phiếu) nó dùng thanh toán cho các bên xuất nhập khẩu


Một số loại giấy chứng nhận nợ khác cũng cần quan tâm:
- Hối phiếu (Bill of exchange, draft):
+ Là mệnh lệnh trả tiền vô điều kiện dưới dạng văn bản do một người ký phát (người ký phát hối phiếu: drawer) cho một người khác (người thụ tạo: drawee), yêu cầu người này ngay khi nhìn thấy hối phiếu hoặc vào một ngày cụ thể nhất định hoặc vào một ngày có thể xác định trong tương lai phải trả một số tiền nhất định cho người đó hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác hoặc trả cho người cầm phiếu (gọi chung là người được trả tiền: payee).
+ Người nhìn thấy hối phiếu sẽ trả tiền ngay hay trả sau số ngày đã thỏa thuận (ví dụ như sau 30 ngày kể từ ngày nhìn thấy hối phiếu,...)
+ Không có thời hạn lâu như kỳ phiếu

- Thương phiếu:
+ Do các công ty lớn phát hành nhằm đảm bảo trả những khoản vay ngắn hạn cho ngân hàng.
+ Là loại công cụ không được đảm bảo và luôn bán với giá chiết khấu.

- Chấp phiếu:
+ Là một chấp nhận ngân hàng, thực chất là một thương phiếu trong đó có quy định ngày và số lượng tiền cần thanh toán.
+ Lý do đối tượng đi vay thường sử dụng loại chấp nhận ngân hàng này vì qui mô tài chính của họ quá hạn chế hoặc quá mạo hiểm khi tự mình phát hành thương phiếu

Nguồn: sưu tập từ vi.wikipedia.org & các website khác trên Internet

Người cư trú là gì???

Thông thường các qui định của pháp luật (cụ thể là các qui định về cấp tín dụng) sẽ áp dụng trong phạm vi "người cư trú" Việt Nam, những đối tượng khác sẽ có những qui định riêng. Vậy "người cư trú" gồm những đối tượng nào?

Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:
a) Tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (gọi là tổ chức tín dụng)
b) Tổ chức kinh tế được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản này (gọi là tổ chức kinh tế)
c) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam
d) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài
đ) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này
e) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d và điểm đ khoản này và cá nhân đi theo họ
g) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài
h) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có thời hạn từ 12 tháng trở lên, trừ các trường hợp người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Nguồn: luat.xalo.vn

Một số giấy tờ cần lưu ý trong bộ hồ sơ để tín dụng cho doanh nghiệp

Việc cho vay vốn đối với các doanh nghiệp/công ty, ngoài một số giấy tờ cơ bản như giấy phép đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập, sẽ có một số loại giấy tờ đặc biệt mà chúng ta cần quan tâm:

- Chứng chỉ hành nghề đối với các ngành nghề cần giấy phép: như công ty dược, các nơi phân phối các sản phẩm dược (người đại diện phải có bằng dược sĩ,...), công ty thực phẩm, công ty xây dựng,...
- Quyết định bổ nhiệm giám đốc (tổng giám đốc), kế toán trưởng & biên bản điều lệ công ty: các văn bản này sẽ giúp nhân viên tín dụng xác định được đối tượng có quyền quyết định đi vay của doanh nghiệp/công ty
- Quy chế về quản lý tài chính hoặc Quy chế về quản lý tài chính của Tổng Công ty (đối với các khách hàng vay vốn là Tổng Công ty): giúp xác định được việc đi vay này có nằm trong quy định, có vượt mức đi vay theo quy định của công ty hay không,...
- Biên bản họp Hội đồng Quản trị công ty về việc ủy quyền cho Giám đốc công ty vay vốn Ngân hàng (tham chiếu theo Điều lệ Công ty): giúp xác định quyết định đi vay của người đại diện công ty là phù hợp và có sự đồng ý của hội đồng quản trị,...


* Đối với các hoạt động Xuất/Nhập khẩu:
- Văn bản cho phép nhập khẩu của Bộ Công Thương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành: áp dụng đối với một số mặt hàng có điều kiện, thông thường là các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia,...
- Bản sao y quyết định được phép cho vay bằng ngoại tệ: dành cho các dự án đầu tư theo quyết định của Chính phủ


Trên đây là một số loại giấy tờ, chứng từ (có thể có hoặc không có tùy trường hợp) mà cán bộ tín dụng cần chú ý quan tâm khi xét đệ trình cấp tín dụng cho khách hàng.
Sưu tầm Internet

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Các yếu tố tài chính & phi tài chính

Khi thẩm định, xem xét tình hình hoạt động của một doanh nghiệp hay công ty, các ngân hàng (hay tổ chức tín dụng) sẽ phải quan tâm nhiều đến các yếu tố tài chính và phi tài chính. Vậy hai yếu tố này gồm những gì? Chúng ta sẽ có câu trả lời tổng quát ngay sau đây:

- Các yếu tố tài chính: là tất cả các yếu tố mà chúng ta có thể có được thông qua các báo cáo tài chính (doanh thu, lợi nhuận, các khoảng phải thu, phải trả,...) do doanh nghiệp cung cấp.
+ Thuận lợi: việc đánh giá các yếu tố này sẽ cho chúng ta những thông tin cụ thể nhất (thông qua các chỉ số tài chính) về tình hình hoạt động của một doanh nghiệp
+ Khó khăn: với các công ty, doanh nghiệp nhỏ thì thông tin tài chính dễ bị móp méo do chưa được bên thứ ba đứng ra kiểm tra (công ty kiểm toán,...), hay trường hợp doanh nghiệp mới thành lập nên thường thì tình hình tài chính chưa được khả quan.

- Các yếu tố phi tài chính: thông thường là các yếu tố mà chúng ta có thể có được do:
+ Doanh nghiệp cung cấp: cơ cấu bộ máy nhân sự, bộ phận kiểm soát nội bộ, trình độ & kinh nghiệm của người quản lý, lĩnh vực hoạt động chủ yếu, thị phần trên thị trường,...
+ Thông qua các kênh thông tin khác: quan hệ với các tổ chức tín dụng khác (thu thập từ CIC hay từ chính các tổ chức tín dụng), đánh giá của các đối tác & khách hàng (thông qua báo đài, các kênh tin tức chuyên môn),... hay từ chính cán bộ tín dụng (cảm nhận về thiện chí vay tiền và trả nợ của doanh nghiệp,...)
+ Thuận lợi: sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về doanh nghiệp về năng lực, triển vọng và khả năng phát triển, khả năng trả nợ của doanh nghiệp đi vay (đôi khi tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp đang yếu kém nhưng có thể chỉ vì lý do khách quan như mới thành lập, những khó khăn trong toàn ngành, trong nền kinh tế,...)
+ Khó khăn: thường mang tính chủ quan của cán bộ tín dụng trong đánh giá về năng lực của khách hàng để trình lên cấp trên xét tín dụng,...

Chính vì những điểm mạnh và điểm yếu của hai nhóm yếu tố trên nên cần phải kết hợp cả hai yếu tố đó để có cái nhìn tổng quát nhất về doanh nghiệp đồng thời đảm bảo sẽ có những quyết định cấp tín dụng hợp lý nhất.

Các hình thức xử lý nợ quá hạn vì lý do khách quan

Vì những lý do khách quan như khủng hoảng kinh tế, suy giảm kinh tế, bão lũ,... sẽ làm cho những đối tượng đi vay không thể trả nợ (gồm vốn gốc và lãi) đúng thời hạn đã cam kết trong các hợp đồng cho vay. Trong trường hợp này, thông thường các tổ chức tín dụng, mà cụ thể là các ngân hàng sẽ thực hiện một số biện pháp sau:

- Khoanh nợ: là hình thức "hoãn" các khoản dư nợ còn lại của đối tượng đi vay, đến một thời điểm nào đó trong tương lai sẽ tiếp tục trả nợ như thỏa thuận cũ trong hợp đồng cho vay. Ví dụ như một bài báo trên website vtv.vn có viết:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước (TMNN) thực hiện khoanh nợ và tiếp tục cho vay vốn đối với các hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò để khắc phục những thiệt hại do rét đậm, rét hại năm 2008 gây ra
- Giãn nợ: là việc hoãn lại các khoản nợ phải trả, đồng thời áp dụng thời gian đáo hạn mới (kéo dài hơn) đối với khoản nợ được hoãn. Ví dụ như đoạn trích từ website tintuconline.com.vn như sau:
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo việc rà soát, đối chiếu công nợ của Vinashin tại các ngân hàng thương mại, khoanh nợ, giãn nợ đến hết năm 2010 cho Vinashin cân đối nguồn vốn để tiếp tục cho Vinashin vay vốn lưu động hoàn thành các hợp đồng ký kết, báo cáo ban chỉ đạo.
 - Đảo nợ: có thể hiểu nôm na đây là hình thức "vay để trả nợ", có thể người đi vay đến ngân hàng mình đang nợ tiền để vay khoản tiền mới và trả cho khoảng nợ cũ, hoặc cũng có thể vay nợ ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia. Các bạn có thể tham khảo một đoạn trích từ website vneconomy.vn
Tôi nhắc lại, cho vay doanh nghiệp tại một ngân hàng để trả nợ cho chính ngân hàng đó hoặc trả nợ cho một ngân hàng khác, được coi là hành vi đảo nợ.
Hy vọng các bạn sẽ có những cái nhìn tổng quan nhất về ba hình thức kéo dài nợ trên.
Chúc các bạn thành công :)

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Công ty tài chính và Ngân hàng

Một số đặc điểm nổi bậc nhất cần phân biệt giữa 2 loại tổ chức này:

Giống: hoạt động dưới loại hình các tổ chức tính dụng

Khác:
- Công ty tài chính:
+ Tổ chức tính dụng phi ngân hàng: không thực hiện đầy đủ các hoạt động ngân hàng, chủ yếu là cho vay, đầu tư, cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính và các hoạt động tài chính khác từ nguồn vốn huy động (khác tiền gửi dưới 1 năm) hoặc từ nguồn vốn khác (nhận ủy thác vốn,...)
+ Không làm các dịch vụ thanh toán
+ Không nhận tiền gửi dưới 1 năm
+ Vốn pháp định tối thiểu là 500 tỷ VNĐ (theo Nghị định 141/2006/NĐ- CP của Chính phủ có hiệu lực sau 31/12/2008)
+ Thời hạn hoạt động: tối đa 50 năm (mỗi lần gia hạn không quá 50 năm và phải được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
- Ngân hàng:
+ Thực hiện đầy đủ các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan: nhận tiền gửi, cấp tín dụng (cho vay, cho thuê tài chính, bao thanh toán, chiết khấu chứng từ có giá, bảo lãnh,...), cung cấp các dịch vụ thanh toán, kinh doanh tiền tệ,...
+ Vốn pháp định tối thiểu là 1000 tỷ VNĐ (cuối 2008) và 3000 tỷ VNĐ (đến cuối 2010)
+ Thời hạn hoạt động: không giới hạn

Nguồn tham khảo: doanhnhan360.com